Wednesday, December 21, 2011

Phố núi hư không


Túm mặt trời trong túi áo blouson
Thả buổi sáng rong chơi phố núi
Ðời úp mặt vào đôi tay trần trụi
Trốn mùa thu vừa vàng úa phù vân.

Núi căng vung như bầu ngực tình nhân
Nằm đẩy đà phô đường cong phố trọ
Rướn leo dốc bắt đỉnh đầu ngọn gió
Hứng mây trôi lọt thỏm kẻ tay trời.


Ðá lềnh khênh đập vào mắt chơi vơi
Ðá uốn tượng hình nữ thần tình ái
Sợi tóc nào phả hương lài ngai ngái
Trói mặt trời nhốt túi áo blouson.


 Ngày rụt rè hóa núi thành sông
Sông ngập lụt dìm phố chìm úng thủy
Ngàn sợi tóc tựa ngàn tia phù thủy
Treo tình yêu lên thập giá khổ hình.


Hạnh phúc trườn. Tuột dốc. Thất kinh
Túi áo thủng vết mặt trời cháy xém
Xuyên lồng ngực một góc tim hoài niệm
Em. Anh. Và phố núi hư không…


Escondido, 17/09/2011

 

 

 

17 comments:

  1. quỳnh thi viết:


    Câu thơ cuối trong đoạn một, Phạm Hồng Ân ( PHÂ )viết: ” Trốn mùa thu vừa vàng úa PHÙ VÂN “.

    Theo bần tăng, PHÂ hiểu sai nghĩa của chữ “phù vân ” . Vì:” phù vân “: có nghĩa là của cải kiếm được bất chính, không lương thiện.

    Nếu từ “phù vân”dùng cho câu thơ trên sẽ làm mất ý nghĩa của câu thơ đẹp.

    Có lẽ PHÂ đã dùng lộn chữ ” phù du ” ra ” phù vân” chăng?

    Theo bần tăng, câu thơ phải như thế này: “Trốn mùa thu vừa vàng úa PHÙ DU” thì hay hơn,lại rõ nghĩa.

    Đã đành là tìm kiếm ngôn ngữ mới trong thơ hiện đại là cần thiết, song phải hiểu rõ nghĩa của từ ngữ trước khi dùng./

    QUỲNH THI

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Hoàng viết:


    Góp ý :

    ‘phù vân’ và ‘của phù vân’ hay ‘của cải phù vân’ là khác nhau.

    ‘phù vân’ chỉ đơn thuần là mây phù, là sự trôi nổi của mây trên nền trời.

    Nên như vậy trước khi như là một ám chỉ gì chẳng hạn cõi-tạm-phù-vân

    ‘Phù du’ chỉ sự ngắn ngũi.

    Còn nghe đâu đây vang vang giọng Huyền Vũ, nhà báo và nhà tường thuật túc cầu(bóng đá, đá banh) trên ra-đi-ô:

    “chỉ còn vài phút phù du nữa thôi là giải quán quân túc cầu Nam Việt sẽ về tay …”

    vân vân

    ReplyDelete
  3. vũ thất viết:


    Bài thơ hay như vậy, câu thơ hay như vậy mà ông Quỳnh Thi nỡ lòng nào định nghĩa ”phù vân có nghĩa là của cải kiếm được bất chính, không lương thiện”. Xin ông Quỳnh Thi cho biết quyển tự điển nào định nghĩa như vậy để tôi… không mua. Theo Việt Nam Tự điển của Lê Đức và Lê Ngọc Trụ, Phù Vân có nghĩa Mây hiện rồi tan. Nghĩa bóng: thấy đó rồi mất đó. Vậy nếu hiểu câu thơ của PHÂ như ý ông thì “phù vân” có khác gì “phù du”! Còn câu thơ nổi danh này nữa, định nghĩa theo ông thì… Đường Thi khó sống với Quỳnh Thi: ” Thiên thượng phù vân như bạch y”.

    ReplyDelete
  4. Vương Trung Hiếu viết:


    Phù vân là từ ghép, gồm có hai từ: phù (浮) và vân (雲) (tiếng Anh: Floating clouds; tiếng Pháp: Nuages flottants).
    PHÙ (浮)
    1. (Động từ): nổi. Thí dụ như “phiêu phù” (漂浮): trôi nổi. Trong bài Dục Thúy Sơn (浴翠山), Nguyễn Trãi viết: Liên hoa phù thủy thượng (蓮花浮水上), có nghĩa là “Hoa sen nổi trên nước”. 2. (Tính từ): Không có căn cứ, không thật. Thí dụ: phù ngôn (浮言) có nghĩa là “ lời nói không có căn cứ”. 3. (Tính từ): Hư, hão, không thiết thực. Thí dụ: phù danh (浮名) có nghĩa là “danh hão”, phù văn (浮文) có nghĩa là “văn chương không thiết thực”. Trong bài Khúc Giang (曲江), Đỗ Phủ viết: Hà dụng phù danh bán thử thân (何用浮名絆此身) có nghĩa là “Ích gì để cho cái danh hão trói buộc tấm thân”.
    VÂN
    Vân (雲) ở đây là danh từ, có nghĩa là “mây”. Trong quyển Thương Ngô Trúc Chi ca (蒼梧竹枝歌), Nguyễn Du viết: Vũ tự bàng đà vân tự si (雨自滂沱雲自癡) có nghĩa là “ Mưa rơi tầm tã, mây thẫn thờ”.
    Phù vân có nghĩa là “đám mây nổi”, dùng để chỉ việc chóng tụ mau tan như đám mây. Thí dụ :
    - Phú quý ư ngã như phù vân (富貴於我如浮雲) có nghĩa là “giàu sang đối với tôi như mây nổi” (trích từ sách Luận Ngữ ).
    - Nhãn để phù vân khan thế sự (眼底浮雲看世事)có nghĩa là “Mắt xem việc đời như đám mây nổi”. (trích từ bài Ký hữu (寄友) của Nguyễn Du).
    - Thế gian phú quý đẳng phù vân (世間富貴等浮雲) có nghĩa là “Giàu sang trên đời như mây nổi” (trích từ bài Đồ trung ngẫu hứng ( 途中偶興) của Nguyễn Du).
    -Triêu du phù vân kiệu, Mộ túc minh nguyệt loan (朝遊浮雲嶠,暮宿明月灣) có nghĩa là “Sáng chơi trên ngọn núi có đám mây nổi, Tối về nghỉ ở eo biển trăng sáng” (trích từ bài Hạnh An Bang phủ (幸安邦府) của Trần Thánh Tông).
    Từ những thí dụ trên, có thể hiểu “phù vân” là “phù du” cũng không sai. Riêng câu “Trốn mùa thu vừa vàng úa phù vân”, có thể tác giả Phạm Hồng Ân muốn nói “phù vân” đơn giản là đám mây nổi hoặc sự tạm bợ, chóng qua.
    Tóm lại, “phù vân” hoàn toàn không có nghĩa là “của cải kiếm được bất chính, không lương thiện”. Dưới đây là những từ trong tiếng Hán có âm Hán Việt là “phù”. Tất cả đều không có nghĩa là của cải bất chính. Tuy nhiên, do không phải là điểm chính nên chúng tôi chỉ giải thích vài từ, quí vị nào muốn tìm hiểu kỹ có thể tra từ điển.
    PHÙ
    1. (Danh từ) Phù (稃): có nghĩa là trấu (vỏ các loại cốc như lúa, mạch, v.v.).
    2. (Danh từ) Phù (蜉): nằm trong từ ghép “phù du” (蜉蝣), có nghĩa là con nhện nước, con vò hay con thiêu thân (sinh ra vào buổi sáng, chết vào buổi chiều).
    3. (Tính từ ) Phù (紑): sạch sẽ, tinh khiết.
    4. (Danh từ) Phù (符): 1.Vật để làm tin: có thể là một cái thẻ bằng tre, viết chữ trên đó rồi chẻ làm đôi, mỗi người giữ một mảnh. Nếu ghép hai mảnh vào nhau vừa khít và chính xác chữ thì coi là đúng; 2. Bằng chứng; 3. Điềm tốt lành; 4. Bùa trừ tà; 5. Dấu hiệu, ký hiệu. (Động từ): hợp, đúng.
    5. (Danh từ) Phù (罘): 1. Lưới săn thú bắt chim; 2. Phù ti (罘罳): Chấn song, bình phong (làm bằng gỗ đẽo khắc). Đôi khi “lưới săn” được viết là “phù ti” (罦罳).
    6. (Danh từ) Phù (罦): lưới bắt chim, thú; còn được viết là “phù” (罘).
    7. Phù (浮). 8. Phù (扶) 9. Phù (榑) 10. Phù (芙) 11. Phù (芣) 12. Phù (蚨) 13. Phù (涪) 14. Phù (鳧) 15. Phù (凫) 16. Phù (鳬) 17. Phù (苻) 18. Phù, bào (烰) 19. Phù, phó (咐) 20. Phù, phu (桴) 21. Phù, phù (夫) 22. Phù, phù, bao. (枹).
    VÂN
    1. Vân (鄖) 2. Vân (耘) 3. Vân (紜) 4. Vân (蕓) 5. Vân (筼) 6. Vân (云) 7. Vân (纭) 8. Vân (芸) 9. Vân (篔) 10. Vân (郧) 11. Vân (雲) 12. Vân, viên (员) 13. Vân, viên (貟) 14. Viên, vân (員).

    ReplyDelete
  5. quỳnh thi viết:


    Tôi định nghĩa: phù vân: Là Phủ đầy bụi(nghĩa bóng), theo tự điển Anh Việt và Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn.

    Phù: To cover, to overlay, có nghĩa là phủ, bao phủ. To envelop: phủ đầy bụi.

    Còn nghĩa nổi của phù vân: là đám mây nổi. Nghĩa đen của chữ Phù vân ở đây là: mây tụ lại ngắn ngủi. Câu ca dao, “Của phù vân để ngoài cửa”.Có ý nói là của trộm cắp, bất chính. Không ai dùng nghĩa bóng này cho từ “phù du.”

    Phù du: là ngắn ngủi.

    Hai từ ngữ: Phù vân và Phù du hoàn toàn khác nhau. Không thể nói” Phù vân cũng có nghĩa là phù du ” như ông Vương Trung Hiếu nói.

    Câu thơ “Trốn mùa thu vừa vàng úa phù vân.” Nếu theo định nghĩa của Nguyễn Văn Khôn, thì theo tôi từ ” phù vân” nó làm cho câu thơ kém hay đi.

    Quỳnh Thi

    ReplyDelete
  6. black raccoon viết:


    (Xin thay góp ý trước)

    Phù vân là mây nổi, phù du là con thiêu thân. Mây nổi là những cụm mây trôi lang thang vô định, biến đổi vô chừng. Con phù du là con thiêu thân, không hiểu sao nó cứ hay lao mình vào sức nóng như lửa của bóng đèn hoặc bình nước giải nhiệt của xe hơi. Phù du như vậy vừa chỉ sự ngắn ngủi, mà cũng còn ý nghĩa là thói đam mê vật chất liều mình tự huỷ hoại như con thiêu thân.

    Đời người như kiếp phù du
    Nàng lao mình vào các hộp đêm như con thiêu thân
    Danh và lợi, chàng xem nhẹ tựa như của phù vân mây nổi

    Dường như người đầu tiên xử dụng từ phù vân hay nhứt là Đổ Phủ, trong câu : Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt kiến vi thương cẩu (có bản ghi là hốt biến). Trên trời mây nổi hình giống như cái áo trắng, thoắt một chớp đã thấy giống như con chó màu xanh.

    ReplyDelete
  7. Vương Trung Hiếu viết:


    Có lẽ ông Quỳnh Thi (QT) chưa đọc kỹ bài viết của tôi vì thế tôi xin phép trao đổi tiếp.

    Trước hết, khi tìm hiểu nghĩa của một từ Hán Việt, chúng ta phải căn cứ vào từ điển Tiếng Việt, từ điển Hán – Việt và Việt – Hán, kể cả quyển từ điển từ nguyên (tầm nguyên tự điển viết bằng tiếng Việt chẳng hạn). Cách tìm nghĩa của một từ tiếng Việt bằng từ điển Anh – Việt và Việt – Anh có thể không chính xác và cách tự định nghĩa một từ lại càng có thể không chính xác hơn nữa.

    - Ông QT định nghĩa: “phù vân: Là Phủ đầy bụi (nghĩa bóng), theo tự điển Anh Việt và Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn” rồi viết tiếp “Phù: To cover, to overlay, có nghĩa là phủ, bao phủ. To envelop: phủ đầy bụi”. Tôi không biết câu nào có từ “phù vân” với nghĩa bóng là “phủ đầy bụi”. Ông QT có thể dẫn chứng câu trích trong tác phẩm nào đó được không? Tôi xin cám ơn vì mở rộng được tầm mắt.

    - Ông QT viết: “Câu ca dao, “Của phù vân để ngoài cửa”. Có ý nói là của trộm cắp, bất chính”. Ông QT quên rằng chúng ta đang bàn về nghĩa của từ “phù vân” chứ không phải nghĩa của cụm từ “của phù vân”. “Phù vân” là yếu tố chính, chứ không phải là từ bổ nghĩa cho “của”. Vậy chắc chắn “phù vân” không thể có nghĩa là “của trộm cắp, bất chính.”

    - Ông QT khẳng định: “Phù vân và Phù du hoàn toàn khác nhau. Không thể nói” Phù vân cũng có nghĩa là phù du ” như ông Vương Trung Hiếu nói”. Thế nhưng ông QT lại viết: “Nghĩa đen của chữ Phù vân ở đây là: mây tụ lại ngắn ngủi”. “Phù du: là ngắn ngủi”. Vậy tính chất “ngắn ngủi” toát ra từ ý nghĩa của phù vân và phù du thì thế nào. Nó cho thấy hai từ này có điểm giống nhau hay hoàn toàn khác nhau?

    - Ông QT nhận xét: “Câu thơ “Trốn mùa thu vừa vàng úa phù vân.” Nếu theo định nghĩa của Nguyễn Văn Khôn, thì theo tôi từ ” phù vân” nó làm cho câu thơ kém hay đi”. Thưa ông, câu thơ kém hay ở chỗ nào, phải chăng ở chỗ “Trốn mùa thu vừa vàng úa…phủ đầy bụi”? Chắc chắn tác giả Phạm Hồng Ân không hề nghĩ như vậy.

    Vài hàng trao đổi cùng ông QT, mời ông đọc kỹ lại bài của tôi trước đây. Thân mến.

    ReplyDelete
  8. black raccoon viết:


    Đời úp mặt vào đôi tay trần trụi
    Trốn mùa thu vừa vàng úa phù du.
    (Theo ý Q.T)

    Câu thơ theo ý của QT thật ra vẫn có nghĩa. Nếu hiểu phù du diễn tả sự ngắn ngủi trong thế gian đời người.

    Đời úp mặt vào đôi tay trần trụi
    Trốn mùa thu vừa vàng úa phù vân.
    (Nguyên tác của P.H.Â)

    Dĩ nhiên, theo tui nghĩ, câu trên có ý nghĩa, nghĩa phù vân là sự đổi thay vô chừng bất định trong thế gian.

    ReplyDelete
  9. Phung Nguyen viết:


    Vụ “phù vân” này na ná chuyện Đỗ Phủ sửa thơ Vương An Thạch, nhưng có vẻ như là Vương An Thạch … sửa thơ Đỗ Phủ thì đúng hơn!

    Minh nguyệt sơn đầu [k/c]hiếu
    Hoàng cẩu ẩn hoa [t]âm

    Chỉ có điều không có Hoàng cẩu, bất kể là chó hay là sâu bọ, mà chỉ có cái gì [lại] na ná như là vân cẩu, biến ảo khôn lường!

    PN
    .

    ReplyDelete
  10. quỳnh thi viết:


    Thưa ông Vương Trung Hiếu.

    Phù vân:Có nghĩa là mây trôi nổi, lúc hợp lúc tan.

    Phù du: Ngắn ngủi.

    Cả hai từ trên xem ra thì ý nghĩa gần giống nhau, nhưng không thể dùng giống nhau được.

    Thí dụ. Người ta nói:Kiếp người phù du. Nhưng không thể nói: Kiếp người phù vân được!

    Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức thì không thể rời nhau. Nhưng cách dùng chữ của thi sĩ thì phải khác với định nghĩa thường dùng.

    Thôi ngắn gọn vậy mong ông hiểu cho.

    Cám ơn ông.Chúc ông vui khỏe.
    QT

    ReplyDelete
  11. khiêm viết:


    ý kiến ba xu. trong mạch chữ này của PHÂ, phù vân dùng chung với mùa thu thì hợp hơn phù du. phù vân đi với màu vàng úa khiến mùa thu thực hơn, tượng hình hơn. vì vậy in vô tâm trí nguời đọc mạnh hơn. phù du e không hợp với ngữ cảnh.

    ReplyDelete
  12. Nguyễn Tôn Hiệt viết:


    Lời giải thích của Vương Trung Hiếu rất chính xác, nhưng có lẽ Quỳnh Thi… không muốn đọc!

    Ở lời bàn đầu tiên, Quỳnh Thi nói:
    “… phù vân: có nghĩa là của cải kiếm được bất chính, không lương thiện. Nếu từ “phù vân” dùng cho câu thơ trên sẽ làm mất ý nghĩa của câu thơ đẹp.”

    Nói vậy là hiểu sai nghĩa của chữ “phù vân”.

    Ở lời bàn thứ hai, Quỳnh Thi nói:
    “Tôi định nghĩa: phù vân: Là Phủ đầy bụi”.

    Nói vậy thì lại càng sai, vì “phù vân” không hề có nghĩa là “phủ đầy bụi”.

    Ở lời bàn thứ ba, sau khi Vương Trung Hiếu đã giải thích cặn kẽ ý nghĩa của chữ “phù vân”, Quỳnh Thi mới sửa lại:
    “Phù vân: Có nghĩa là mây trôi nổi…”

    Nhưng Quỳnh Thi lại nói thêm:
    “Người ta nói: Kiếp người phù du. Nhưng không thể nói: Kiếp người phù vân được!”

    Nói vậy thì lại sai với đề tài đang bàn (tức là đang bàn về hai câu thơ của Phạm Hồng Ân mà Quỳnh Thi, ngay từ đầu, đã cho là dùng chữ “phù vân” sẽ làm mất ý nghĩa của câu thơ đẹp, vì “… phù vân: có nghĩa là của cải kiếm được bất chính, không lương thiện”!).

    Đây là hai câu thơ của Phạm Hồng Ân:

    “Đời úp mặt vào đôi tay trần trụi / Trốn mùa thu vừa vàng úa phù vân.”

    *

    Về chữ “phù vân” thì các nhà thơ ngày xưa đã sử dụng với nhiều ý nghĩa và ngữ cảnh khác nhau, trong đó có cả hàm ý về kiếp người, đời người, thế sự, thân thế:

    “Du du phù vân thân” (Bạch Cư Dị)

    “Thế sự phù vân hà túc vấn / Bất như cao ngọa thả gia san” (Vương Duy)

    “Nhân trung phù thế tống phù vân” (Nguyễn Trãi)

    “Bách kỳ đãn đắc chung triêu túy / Thế sự phù vân chân khả ai” (Nguyễn Du)

    “Cố quốc hà sơn khan lạc nhật / Tha hương thân thế thác phù vân” (Nguyễn Du)

    ReplyDelete
  13. vương ngọc minh viết:


    - còn nữa chàng: thôi thì thôi chỉ là phù vân/ thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi. (phạm thiên thư.)

    ReplyDelete
  14. chân phương viết:


    Chào bằng hữu văn nghệ,

    Đọc một bài thơ, người có mắt xanh nhìn thấy tầm vóc Nobel ( như Robert Bly và Auden đã
    phát hiện tài năng Tomas Transtroemer); người mắt không xanh chỉ thấy chữ rồi tranh luận
    căn cứ vào cổ thư hau từ điển. Tra cứu đến đâu cũng không bằng lương thiện tri thức!

    Tôi xin góp vui bằng một trích dẫn (lại trích dẫn, bà con ơi !):

    Nói một chữ
    Cánh cửa mở ra

    Nói thêm một chữ
    Cánh cửa khép lại

    Roberto Juarroz

    ReplyDelete
  15. Võ Tấn Phong viết:


    Phung Nguyen có lẽ nhớ lộn. Cái tích hoàng khuyển là Tô Đông Pha sửa thơ Vương An Thạch. Đỗ Phủ sống thời Đường, Vương An Thạch thời Bắc Tống khó mà sửa thơ nhau. Xin xem thêm:

    http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%C6%A1ng_An_Th%E1%BA%A1ch

    Thú thật tôi nghĩ những giai thoại này nếu có quên chút ít thì không quan trọng, google là kiếm được ngay. Xin góp ý cho vui, và cùng nhau học hỏi.

    ReplyDelete
  16. Phùng Nguyễn viết:


    Ái dà da!
    Xin cám ơn vạn bội bạn Võ Tấn Phong đã giúp cải chính sai lầm của tôi trong việc trích dẫn điển cố này. Đây là hậu quả của việc ỷ lại vào bộ nhớ ngày càng mòn mỏi của mình. Xin chân thành tạ lỗi cùng bạn đọc, thi hào Đỗ Phủ, thi hào Tô Đông Pha, và tể tướng Vương An Thạch.

    PN

    ReplyDelete
  17. Thai Nguyen viết:


    Ông Quỳnh Thi viết:
    “Tôi định nghĩa: phù vân: Là Phủ đầy bụi(nghĩa bóng), theo tự điển Anh Việt và Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn.
    Phù: To cover, to overlay, có nghĩa là phủ, bao phủ. To envelop: phủ đầy bụi.
    Còn nghĩa nổi của phù vân: là đám mây nổi. Nghĩa đen của chữ Phù vân ở đây là: mây tụ lại ngắn ngủi. Câu ca dao, “Của phù vân để ngoài cửa”.Có ý nói là của trộm cắp, bất chính. Không ai dùng nghĩa bóng này cho từ “phù du.”
    Phù du: là ngắn ngủi.”

    Tôi thấy hơi lạ. Cái từ “phù vân” khá đơn giản; những người có kiến thức cổ văn trình độ trung học đệ nhất cấp cũng hẳn hiểu rõ. Lẽ nào cụ Nguyễn Văn Khôn, một vị học giả tinh thông nhiều ngoại ngữ, lại đưa ra một giải thích “Là Phủ đầy bụi” đầy hài hước như thế.

    Xuống dưới hầm nhà, lục lọi các thùng sách bị phủ đầy bụi thì tìm được các tự điển sau của Nguyễn Văn Khôn:

    Hán-Việt Từ-Điển (nhà sách Khai-Trí, Sài Gòn, 1960; nxb Đại Nam, Glendale, CA, 1987), trang 731:
    Phù-vân 浮 雲: Mây nổi (mỏng mảnh, dễ tan; không lâu dài, không bền vững.)
    [thực ra, NVK dành gần trọn 2 trang 730-1 để giải thích nghĩa đen và bóng của các tự và từ “phù”.]

    Việt-Anh Anh-Việt Từ-Điển Thông-Dụng (nhà sách Khai-Trí, Sài Gòn, 1967), trang 681:
    phù: (Med) Beriberi
    [rồi bắt đầu các từ khởi đầu với chữ “phù”, sang đến giữa trang 682 thì người ta đọc thấy:

    phù vân: Drifting clouds; transitory, passing, fleeting, ephemeral.
    [rồi tiếp tục với tự "phù"]
    phù: 1) To cover, to overlay. Bao phủ: To envelọp. Phủ đầy bụi: To be covered, overlaid, with dust.
    2) (Of male animal) To cover (female).
    phủ: Palace, residence. Phủ Tổng Thống: The Presidency Palace.
    phủ chính: To amend, to correct.
    [và tiếp tục các từ bắt đầu với chữ “phủ”…]

    Như vậy cụ NVK không hề hàm ý “phù vân” “Là Phủ đầy bụi(nghĩa bóng)” gì cả.
    Chỉ có cậu (thư ký) xếp chữ lầm cái tự “phủ” thành “phù” khi giải thích là “To cover, to overlay”. Nhưng một người đọc được tiếng Việt hay tiếng Anh không tệ lắm cũng biết đây là lỗi typo, vì sau đó là các thí dụ với các từ “Bao phủ” và “Phủ đầy bụi”.

    Cụ NVK hẳn thổi phù một hơi cho tan lớp bụi hậu thế. Chuyện phù vân rồi cũng qua đi…

    ReplyDelete