Monday, January 30, 2012

.CHỢ CHỒM HỔM, BUỔI GIAO THỜI.


          *Truyện Ngắn: PHẠM HỒNG ÂN

        Trước đây, chợ chồm hổm chỉ là một khoảnh đất nhỏ xíu trước cửa giáo đường. Nơi cua quẹo của hương lộ mới đấp, còn lục cục đất mới, sình bùn và gốc rạ. Ðầu tiên, con heo nái của mụ tư Nhớt chết dịch. Tiếc của, mụ đành phải xẻo thịt nó, gánh đi bán dạo. Lợi dụng chúa nhật, các con chiên ngoan đạo tấp nập vào ra giáo đường. Mụ cũng lợi dụng nơi cua quẹo của hương lộ mới mở - chỗ giao lưu độc nhất của các ấp. Cái gánh thịt heo bày ra, lớn tiếng mời mọc, mồm mép than vãn - thế là chẳng mấy chốc - cả con heo đã hết sạch.

   Chị ba Lạng Quạng thấy vậy, liền đốn tre che một cái chòi. Buổi sáng, chị bán bánh mì thịt, rau cải, bột ngọt, tiêu, ớt...Buổi trưa, chị cân cá ở Mỹ Tho về bán. Những con cá linh bản, mùa nước đổ, trắng phau và nung núc mỡ. Thiên hạ thấy rẻ lại ngon, nhào vô giành giựt chí chóe. Một tuần lễ sau, có lẽ, người ta nghĩ đây là một cơ ngơi chắc chắn thương mãi được. Họ liền đổ xô ra buôn bán đầy đường, giựt giành từng tấc đất, che kín mítû cổng giáo đường. Ðủ các mặt hàng bày ra. Từ gà vịt đến vải vóc, gạo nếp...Thậm chí có cả kim may, thun luồn quần, dao cạo, đá lửa..v..v...

   Sáng 30 tết, cậu năm Nhậu ở ấp trong sửa soạn một bộ quần áo chỉnh tề đi chợ chồm hổm. Cậu năm vừa đúng tuổi lục tuần, lại thừa tiền dư của, nên rất thích hào hoa phóng đãng. Lúc đầu, nghe tên năm Nhậu, người ta tưởng cậu thuộc giới lưu linh, sáng xỉn chiều say, lai rai không nghỉ. Thực ra, cậu năm Nhậu chưa hề nhắp thử một ngụm bia hơi, chớ đừng nói chi đến rượu đế. Cậu chúa ghét những ai say sưa lảm nhảm, những ai mượn rượu làm nư - quậy, quầng...đủ kiểu. Cậu năm Nhậu không nhậu rượu, nhưng cậu nhậu cái khác. Cậu nhậu đàn bà góa, nhậu con gái lỡ thời. Quá khứ của cậu là một quá khứ sôi nổi, đầy tình ái lẩm cẩm. Vì sôi nổi, cậu đã đoạn tuyệt và cách ly con vợ già từ lâu. Một mình ra cất cái "chuồng cu" bên đường, sống trọn vẹn với những khát khao điên cuồng.. Cái "chuồng cu" thực ra chỉ là một cái chòi có gác. Trên gác, cậu bày biện như một phòng ngủ dã chiến, có rèm che, có nệm trắng và đôi gối thêu hình loan phượng.. Nơi đó, cậu đã "già nhân ngãi, non vợ chồng" với những đứa con gái lỡ thời, sau khi nhét vào tay họ những citizen, cà rá, tiền bạc...

   Cậu năm Nhậu còn có biệt tài tự may lấy quần áo để mặc. Cậu thường chê các tiệm may bây giờ không hợp thời trang, chưa đúng "mốt", chỉ cóp đi cóp lại những kiểu cổ, lỗi thời. Cậu phải đứng ra may lấy cho hợp "gu", kể cả việc vẻ kiểu, cắt, thêu rô đê và vắt sổ.. Quần áo cậu may có hình thức rất kỳ quặc. Cậu thêu rô đê và viền chim cò đủ màu trên khắp các bâu áo, nắp túi, nẹp dọc, nẹp ngang...lung tung - y như trang phục của các cô bóng lên đồng. Ðặc biệt, mỗi bên nách áo, cậu đều khoét một lỗ tròn thêu đỏ thêu xanh. Theo cậu, đó là lỗ chống nực, dùng vào mùa hè, để không khí bên ngoài thông vào, điều hòa cơ thể.

   Gần tết, cậu năm Nhậu nghe đồn chợ chồm hổm bỗng dưng "sung" mấy ngày nay. Nhất là đám buôn bán, đa số toàn đàn bà con gái. Sáng này, sẵn cái áo mới may hôm qua, đêm rồi cậu đã thức tới khuya để kết lông trừu trên bâu áo, và thêu hai con chim cu trên miệng túi áo. Hai con chim cu, cậu để cho nó quay mỏ vào nhau, như có vẻ mớm mồi cho nhau, như có vẻ hôn hít lẫn nhau, chứng tỏ nó đang nuôi dưỡng với nhau một thứ tình riêng của loài vật. Cái áo mới này thuộc áo chống lạnh, dùng cho mùa đông sắp tới. Với lại, nhà vừa hết cám, không tranh thủ kịp, bầy heo nái lũ khũ của cậu sẽ biểu tình, sẽ la hét ầm ĩ, không ai chịu nổi.

   Cậu năm vừa đến đầu chợ chồm hổm thì gặp Tám thuốc tây đang ngồi chồm hổm trước gánh bánh canh cua đồng. Hắn vừa thổi phù phù, vừa húp lia lịa. Cậu năm đưa bàn tay lên, chào một cách lịch sự, rồi chống nạnh ngó gian hàng thuốc tây của anh Tám. Nói gian hàng cho nó "xôm", thực ra đó chỉ là một tấm nylon, trải tạm xuống đất, phía trên bày những lọ thuốc tây nội-ngoại đủ thứ. Thấy cậu năm, Anh Tám lật đật trở về chỗ ngồi của mình, quảng cáo một hơi :

   - Nhức đầu, sổ mũi, liệt dương, điều hòa kinh nguyệt..vừa rẻ vừa hay. Dạ, cậu cần chi?

   - Có thuốc dưỡng heo không?

   Tám thuốc tây hất tai lên, cho sát vào cậu năm một chút, nheo mắt hỏi :

   - Dưỡng thai hay dưỡng...gì cậu?

   - Dưỡng heo chứ dưỡng thai mần chi? Thời buổi này ai mà dưỡng thai, xưa quá rồi.

   - Dạ, cậu dặn thì lần sau tôi lấy cho. Dạ, ba bốn ngày sau cậu đến, được không cậu?

   Cậu năm gật đầu, rồi ngó tới ngó lui khu chợ chồm hổm. Từ trên xuống dưới - đều trân. Ai ai cũng có tấm nylon trải tạm xuống đất. Hàng hóa lĩnh kĩnh phía trên, tàm tạm - coi cũng đẹp mắt. Cậu năm chợt mỉm cười với ý nghĩ của cậu. Ðúng là chợ chồm hổm. Người bán cũng chồm hổm bán. Người mua cũng chồm hổm mua. Trông tiếu lâm hết sức. Cậu liếc mắt ngó mụ Tư Nhớt. Mụ gầy như một que tăm, gió bay hổng chừng dám ngã. Tuy vậy, mụ cũng có chút nhan sắc đó chớ ! Cái đống thịt heo to tướng, bầy nhầy những mỡ - so với tấm thân " liễu yếu" của mụ tư, sao nó tương phản nhau một cách kỳ cục. Cậu năm Nhậu thầm trách mụ tư chọn nghề thịt heo chi cho mệt, phải thời về cái "chuồng cu" của cậu hợp tác nuôi heo nái, tối lửa tắt đèn có nhau, thiệt sướng biết bao! Cậu năm chậc chậc lưỡi, như tiếc tiếc một điều gì. Một điều gì thật gần lắm mà cũng thật xa lắm. Ví như cái áo mới của cậu năm chưa thêu rô-đê, chưa viền ren mỏõng, chưa khoét lỗ nách. Ví như hai con chim cu của cậu năm chưa quay mỏ vào nhau, chưa cảm thông được nỗi niềm riêng đơn độc.

   Tám thuốc tây vừa húp xong tô bánh canh cua đồng, vội đưa tay quẹt mép, rồi chửi thề vài cái :

   - Ðù má, sáng giờ ngồi đồng. Lại thêm gặp cái thằng cha năm Nhậu, sùng ghê!

    Trúc Sơn ngồi bên bán họng đèn, tim đèn, kim chỉ vá may...liền cười khì khì; sau khi vấn một điếu Xuân Lộc, nhẹ nhõm phà lên không trung những vòng khói chữ o trắng đục. Trúc Sơn là một thiếu niên vừa trưởng thành, đờn ca có hạng. Ngón đờn vọng cổ của y mùi tận mạng. Nhiều cô lỡ thời phải đứt ruột, cúi mặt khóc thầm, trách cho tình duyên của mình sao quá não nuột như tiếng đàn thê thảm đó. Nhờ biệt tài này, ai ai cũng biết danh, nên Trúc Sơn bán đắt khách hơn mọi người. Lợi dụng ưu điểm đấy, Trúc Sơn mặc tình "chặt" đẹp, mặc tình thao túng chợ chồm hổm. Y đã từng lếu láo với khách hàng :

   - Ở đây Trúc Sơn bán : tình nghĩa là "chín" (y nhấn mạnh chữ "chín"), nhưng tiền bạc sẽ là mười.

   Bộ quần áo mới đón xuân của cậu năm Nhậu làm chợ chồm hổm chợt nhốn nháo hẳn lên. Người ta đều đồng loạt lõ mắt ngó cậu năm một cách kỳ cục. Mấy mụ đàn bà thì lớn tiếng bàn tán, khen che đủ cỡ. Mấy đứa con gái cúi mặt xầm xì, má đỏ au như mận chín. Cậu năm đi đến đâu, mọi người đều mời mọc đến đấy. Cậu chỉ xã giao bằng cách dơ tay chào, miệng cười tỏn tẻn. Ði giáp chợ, cậu vẫn chưa tìm ra chỗ bán cám heo ăn. Quái lạ, mặt hàng này phổ biến phổ thông, vậy mà chưa có người nào biết để kinh doanh? Không lẽ, cậu năm lại ra cái "gian hàng" bán cám. Không lẽ, cậu năm ra chồm hổm với những mụ lỡ thời, để cho bầy heo nái của cậu buổi sáng đói meo, thét la inh ỏi. Cậu năm rề lại mụ tư Nhớt đang cầm miếng mỡ heo láng lẩy khứa ngang.

Cái nụ cười tủm tỉm của mụ tư sao nó giống nụ cười cố nhân của cậu năm quá đỗi. Chỉ khác một điều, nụ cười mụ tư hơi móm một chút, hàm răng mụ tư hơi bợn vàng một chút, và có những cái răng sâu đen xì nằm cùn mằn một cách hơi vô duyên trên hàm của mụ. Thây kệ, mụ tư vẫn là mộng tưởng đang thực hiện của cậu. Nó làm cậu khát khao, bức rức cả tháng nay, không đêm nào cậu dỗ giấc ngủ cho được.

   - Chị tư này, sao chị không mua cám về bán? Lúc này người ta nuôi heo ghê lắm! Tha hồ lụm bạc.

   - Ðể tôi nói với con Dìa ngày mai ra bán anh ạ! Cha, hôm nay anh diện quần áo bảnh quá ta!

   - Tôi may lấy chị ạ! Mấy cha thợ may bây giờ dở quá, không biết mốt mung gì cả.Áo này là áo mùa đông, mặc ấm. Coi vậy chớ gió bấc thổi về cũng lạnh lẽo lắm!

   - Anh lúc nào cũng lạnh lẽo, bộ hồi xuân chắc?

    Cậu năm đỏ mặt ấp úng. Cậu giật mình với chữ "hồi xuân" của mụ tư Nhớt. Phải rồi. Ai không tránh khỏi giai đoạn hồi xuân của cuộc đời. Cậu cóc sợ. Cậu hồi xuân chớ có ăn cắp ăn trộm người ta mà mắc cỡ. Tình yêu nào cũng có một thời của nó. Thời cậu cũng vậy, tình yêu phải đến, đúng ngay cái tuổi sắp lụm khụm này.

    Cậu năm nghĩ thế, nhưng trong bụng cũng thầm thèn thẹn, nên cậu mua bừa một ký thịt của mụ tư Nhớt, rồi ngoe ngoảy bỏ đi một nước. Mụ tư liếc theo cậu, miệng cười tủm tỉm. Cậu năm bước vội về nhà, để lại đằng sau những tiếng mời mọc vang rân của những mụ buôn bán. Tuy vậy, cậu không thể nào quên cái liếc mắt đưa tình và nụ cười sôi bỏng của mụ tư. Nó như một khối đá, một bầu tâm sự, nặng ấm ách trong lòng.

    Năm mới, chợ chồm hổm lại có thêm những tay kinh doanh "cỡ nhỏ", như: con Dìa bán cám, chị Thẻo bán vải ...v...v...Cậu năm Nhậu vẫn mỗi ngày mỗi kiểu áo mới, mặc ra chợ chồm hổm mua cám đều đều. Con Dìa - con gái mụ tư Nhớt, bán cám đắt như tôm tươi, mặc dầu cám của nó đắng nghét và lờ lợ như mạt cưa. Ðồng thời, thịt heo của mụ tư Nhớt, mỗi ngày, cậu năm đều mua dùm vài ký xã giao, nhen nhúm cho một cuộc tình. Thời gian này, để cho việc buôn bán được trôi chảy, mụ tư cũng hồng hồng đôi má, giả bộ làm lơ cho cậu năm cầm nhầm tay, thay vì cầm vào gói thịt. Trúc Sơn cũng được dịp bán xà bông thơm lia lịa. Cậu năm muốn thân thể và quần áo mới của cậu luôn được thơm tho, sạch sẽ - nên đã hào phóng mua cả mấy chục cục xà bông một lúc. Chị ba Lạng Quạng cũng có cơ hội bán dầu thơm, thứ dầu thơm ba số năm Chợ Lớn, nó vừa rẻ vừa có mùi y hệt như Tabu hồi trước. Mụ tư Nhớt quanh năm với mùi thịt heo thum thủm, với mùi hôi nách nồng nặc như mùi hành lá, cũng cần có chú thơm khử đi, khi cậu năm đến thỏ thẻ đôi điều. Con Dìa giống mẹ. Mẹ sao con vậy. Cũng tập xức dầu thơm, lẳng lơ đôi chút với khách hàng.

   Từ lúc bán vải, chị Thẻo chả bán được thước vải nào thuộc loại đắt tiền. Ba bộ đồ Si đã chị mua rẻ ở Chợ Lớn, về chịu khó ngâm xà bông cho sạch lại, rồi lấy bàn ủi là qua cho thẳng nếp, xong đem ra chợ chồm hổm quảng cáo đồ mới giá bình dân, thiên hạ tin như điếu đổ. Con Dìa mua bộ "xoa" có viền kim tuyến và cái xì líp màu hường. Mụ tư Nhớt mua áo ka tê sọc đỏ. Trúc Sơn mua quần "din". Chị ba Lạng Quạng mua nịt vú. Cậu năm Nhậu mua vải canada....Chị Thẻo tha hồ đếm tiền, tha hồ đẩy đưa, ngọt lịm như kẹo dừa Bến Tre. Chỉ có Tám Thuốc Tây không thèm mua của chị. Chị tưn tức trong bụng, bữa chợ nào cũng liếc mắt sang Tám Thuốc Tây. Cái thằng cha này thiệt thấy ghét, mà...sao cũng thấy thương...thương.

   Tám thuốc tây càng lúc cũng càng tiêu thụ được thuốc. Cậu năm Nhậu đăng ký thuốc bổ heo đều đặn. Mụ tư Nhớt gánh thịt trặc vai, mua thuốc dưỡng gân. Chị ba Lạng Quạng dầm mưa đón đò lấy bánh mì, trúng nước ớn lạnh, mua thuốc cảm mạo. Con Dìa hành kinh thất thường, mua điều hòa kinh nguyệt. Trúc Sơn đái nhiều ban đêm, mua thuốc trị suy thận. Chị Thẻo nổi lông ben, mua bánh xe lãng tử. Nhưng lúc đó, Tám Thuốc Tây vênh vênh cái mặt, ra vẻ đắc chí: " Thấy chưa, tụi bây cũng phải cần đến tao"...

    Chợ chồm hổm diễn tiến được vài tháng, thì một hôm có vài chuyện chợt xảy ra. Con Dìa càng ngày cái bụng càng bự như trống chầu. Nó đã lỡ ăn ở với ai, chẳng ai biết được? Có người nghi cho những tên đực rựa ở chợ chồm hổm như: Trúc Sơn, Tám Thuốc Tây...Có người đã nghi cho cậu năm Nhậu, đêm hôm tối om, lộn mối tơ lòng...thòng.Con Dìa mang thai, mấy mụ tới lui chợ chồm hổm liền gợi ý: phải ra "gian hàng" bán than. Ðây là "gian hàng" cần thiết cho thai phụ, nhất là ở chỗ xa phố cách phường này.

   Chuyện thứ hai: chị Thẻo bỗng dưng mất khúc vải "xoa" đắt tiền, lúc có nhiều khách đến lựa hàng. Chị Thẻo lại ngồi kề Tám Thuốc Tây. Như vậy, người ta nghi Tám Thuốc Tây biết đầu mối câu chuyện. Tám Thuốc Tây chối bai bải. Hắn nói hắn chỉ có đôi mắt, không thể nào trông thấu được nhiều đôi mắt. Chị Thẻo tấm tức về rắc muối vào lò lửa đốt "phong long", rồi bỏ qua vụ đó. Nào ngờ sáng sau, mụ bảy câu-thòi-lòi ở xóm trên cứ đi vòng qua vòng lại chỗ Tám Thuốc Tây bán, vừa dậm chân lạch bạch, vừa chửi thề ỏm tỏi:

   - Ðù má, cái quân nào dám nói bà ăn cắp khúc vải "xoa" của con Thẻo đâu? Vỗ ngực xưng tên thử một tiếng coi? Bà quánh thấy mẹ!

   Mụ bảy câu-thòi-lòi có tiếng "chằn ăn trăn quấn" ở khu chợ chồm hổm này. Mụ vừa chôm chỉa, vừa dữ dằn, vừa thiếu nợ dai như đỉa đói. Khi muốn vay mượn ai, mụ mềm mỏng, ngọt xớt như đường phèn. Ðến chừng gây gổ ai, mụ hung dữ, tục tằn...cho đến lúc người ta phải xuống nước năn nỉ - mụ mới bỏ qua.

   Bữa nay mụ lượn quanh Tám Thuốc Tây và dậm chân chửi bới lớn tiếng. Ðiều này, có nghĩa, mụ đã chọn Tám Thuốc Tây là đối tượng. Coi chừng! Quả vậy,, sau một lúc phóng thanh gần khàn cả tiếng, mụ oai vệ tiến đến chộp ngực Tám Thuốc Tây:

   - Ðù má, hôm qua mày nói ai lấy khúc "xoa" của con Thẻo? Mày dám nói lại lần nửa không? Thứ mê gái...rồi sinh tật nói bậy.

   Tám Thuốc Tây run như tên ghiền sì ke vô ý té xuống nước. Hắn nhỏ nhẹ, năn nỉ mụ bảy, mặc dù hắn chẳng đời nào phát ra một chữ với chị Thẻo, chớ đừng nói chi đến vụ tình ái lăng nhăng hoặc trỏ mồm vào việc kẻ khác. Mụ bảy được nước, làm tới. Mụ tru tréo. Mụ xắn áo xắn quần, thượng tay hạ chân, muốn tấn công Tám Thuốc Tây. Bà con chợ chồm hổm phải bu lại can gián. Người ta ôm mụ bảy lại, vuốt ve, rồi phân trần khúc nôi cho mụ bảy rõ cớ sự. Lúc đó, mụ bảy mới nguôi giận, cửng cửng quay bước về nhà.

   Chợ chồm hổm được sinh ra và diễn tiến như thế...trong thời kỳ đổi mới của chế độ cộng sản. Người ta cầu mong nó sẽ "sung"...để trong tương lai không còn cảnh ăn độn, chết đói, chết nghèo...Lúc đó, người ta sẽ không thể nào quên được, những nhân vật "kỳ cục", đã có công khai sinh ra nó.

                                                                 *PHẠM HỒNG ÂN

                                                             (Tháng 11-năm 2003)

.CHAI DẦU GIÓ



(Nhân ngày giỗ Mẹ)

    Vừa tan sở, tôi dzọt thẳng lên Santa Ana cho kịp dự buổi họp mặt đồng hương Cà Mau. Hôm qua, thằng Kiên – bạn học cũ –đã gọi điện thoại nhắc nhở trước:

- Kỳ này, mày phải đến dự nghe thằng quỷù! 40 năm rồi không gặp , bạn bè không thể đoán nổi mặt mày bây giờ dài ngắn thế nào? Con Thùy Nhan nó nhắc mày hoài. Nó nhớ những bài thơ si tình mày làm tặng nó lúc còn đi học…

40 năm xa cách, kể từ năm 1968, tôi rời Cà Mau lên Sài Gòn và không trở lại nữa. Năm đó, cầm mảnh bằng tú tài II trên tay, mỗi đứa trôi dạt mỗi nơi. Ðứa tiếp tục đại học. Ðứa đi lính. Ðứa lấy chồng. Ðứa chui vào mật khu…Cho đến năm 1975, miền nam biến động, chúng tôi hoàn toàn mất tích nhau luôn. Vậy mà, trên cái đất Mỹ xa lạ này, sau 40 năm, chúng tôi lại hội ngộ nhau với đàn con cháu dài thòng như các toa xe lửa.

Những năm trước, năm nào cũng vậy, tôi cứ tìm cách từ chối lời mời họp mặt của Kiên, bởi nhiều lý do chính đáng. Tôi qua Mỹ quá muộn , quá muộn khi tuổi đời chồng chất, nên mặc cảm không còn cơ hội vươn lên như các bằng hữu qua trước. Rồi nghề nghiệp, rồi tài sản…cũng chẳng có gì. Trong lúc bạn bè đã làm nên sự nghiệp. Ðứa kỹ sư, đứa giám đốc, đứa chuyên viên, đứa chủ tiệm…Ðứa nào đứa nấy đều có nhà cao cửa rộng, xe trước xe sau mới toanh bóng loáng.

Năm nay, thằng Kiên nhất định gặp tôi cho bằng được. Nó gọi điện thoại hết ngày tới đêm. Rỉ rả, dặn dò đủ thứ. Nói riết, rồi tôi cũng xiêu lòng. Ðịnh bụng, thử đi một chuyến xem sao?

Cuộc họp mặt được tổ chức ấm cúng ở nhà thằng Hiển. Tất cả không muốn ra nhà hàng. Vì ở đó, phần nào, giảm bớt sự tự do. Và thức ăn, quanh đi quẩn lại, cũng chừng ấy thôi, thưởng thức riết rồi cũng chán phèo. Vợ chồng Hiển khéo léo chọn những bà nội trợ tài giỏi nhất trong đám phu nhân Cà Mau. Các thức ăn quê hương đậm tình dân tộc được lên chương trình gửi đến tận tay mỗi người. Nào: canh chua cá bông lau, cá kho tộ, bún nước lèo, cua lột lăn bột, lẩu lươn…và thêm hàng chục các thức ăn chơi khác mà công tử Bạc Liêu đã từng lịch lãm nếm qua thời xa xưa.

Vòng vo lên xuống một đoạn, tôi cũng mò ra nhà Hiển, sau khi cặp mắt muốn nổ đôm đốm vì quá chăm chú đếm từng bảng số nhà. Nhà Hiển khang trang, có khoảnh sân trước xinh xắn, bao bọc bởi những loài hoa hương sắc lộng lẫy. Một gã đàn ông đầu bạc trắng đang giang rộng vòng tay đón tôi trước cổng.

-Ê! Phải mày không Ân? Tau, Kiên đây!

Tôi nhìn chăm chăm thằng Kiên. Ðầu bạc trắng. Da đồi mồi. Mặt nhăn như mặt khỉ. Trời ơi! Thằng Kiên lóc chóc của 40 năm về trước thật sao? Tôi ôm chầm Kiên, nước mắt tự dưng ứa ra.

-Mày là thằng quỉ Kiên? Thay hình đổi dạng quá! Gặp ngoài đường, chắc hai đứa làm ngơ, không nhận nhau được đâu?

-Mày cũng vậy. Ngày xưa ốm nhom ốm nhách. Bây giờ thù lù và chậm chạp như một lão già nghiện rượu.

Kiên đưa tôi vào nhà giới thiệu từng người. Nếu không nhờ cái tên, tôi sẽ không bao giờ nhận ra được ai. Thời gian như một tay họa sĩ độc ác, dùng nét cọ của tạo hóa, chấm phá những sắc màu xấu trên từng chân dung của con người. Tôi ngỡ ngàng khi gặp lại Thùy Nhan. Nàng cũng tàn phai nhan sắc, bèo nhèo như một cánh hoa tả tơi trước gió chiều. Nhưng lối nói trêu cợt, vẫn là nét đặc trưng của Thùy Nhan, mãi mãi không đổi thay.

-Thi sĩ đây ư? Người luôn luôn xức dầu gió bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông đây ư?

Thằng Kiên chen vào:

-Nó đấy! Cái thằng lúc nào cũng kè kè chai dầu gió trong người đấy!

Cả nhóm nhìn tôi cười vang. Những kỷ niệm học trò chợt ùa về trong mỗi người.

Thùy Nhan không tha:

-Ngày xưa, nếu Ân không có mùi dầu gió, có thể Thùy Nhan đã trở thành người nâng khăn sửa túi cho Ân lâu rồi.

Thằng Hiển và mọi người cùng ồ lên:

-Tại sao? Tại sao?

-Vì những bài thơ tình của Ân. Những bài thơ não nuột và bi ai quá cỡ thợ mộc. Nó đã đụng vào trái tim của Thùy Nhan.

Mọi người chọc ghẹo:

-Thế thì bây giờ…Nếu không còn mùi dầu gió, trái tim của hai người có sẵn sàng hòa chung một nhịp chưa?

Thùy Nhan luống cuống. Cô tiểu thư kiêu hãnh ngày xưa không ngờ bạn bè lại quay ngược mũi chỉa, chỉa vào nàng. Thằng Kiên chỉa thêm:

-Trước khi qua Mỹ, thằng quỉ sứ này đã vứt bỏ chai dầu lạc hậu nơi xó xỉnh nào bên Việt Namrồi, phải vậy không Ân?

Tôi cúi đầu không nói, lặng lẽ moi từ túi quần ra chai dầu Nhị Thiên Ðường, nhẹ nhàng đặt lên bàn ăn. Mọi người cùng ồ lên, trố mắt nhìn chai dầu, rồi nhìn tôi lắc đầu. Thùy Nhan đắc chí, ôm bụng cười ngửa nghiêng.

-Trời ơi! Giờ này mà còn mang kè kè trong mình chai dầu bệnh hoạn. Mình đưa hai tay lên đầu hàng. Hết ý kiến rồi Ân ơi!

Tôi lại cúi đầu, ôn tồn nói với bạn bè, và cũng như nói với chính mình:

-Chai dầu gió, đối với tôi như một báu vật, một tài sản tinh thần mà Mẹ tôi đã thiết tha để lại cho tôi.

Thằng Hiển xoay tròn một vòng.

-Báu vật? Mày có điên không Ân? Chai dầu này ở đây chỉ đáng giá vài đồng bạc.

Tôi lại cúi đầu, buồn bã nhìn từng người bạn.

-Thôi, sau tiệc, tôi sẽ kể cho các bạn nghe vì sao tôi coi chai dầu như báu vật. Bây giờ, trước khi nhập tiệc, chúng ta hãy nhắc và tưởng tiếc đến các bạn vắn số đã nằm xuống thời gian qua.

Nhóm Cà Mau lần lượt nhắc lại cái chết hào hùng của các bạn thơ : Dạ Linh Phương (Nguyễn văn Ðắc), Chu Thiên ( Cao văn Chiến), Trầm Uyên Mỵ (Tăng quang Minh), Diễm Ca Hồng (Lý Cá Hai), Huỳnh Thiên Lượng, Nguyễn văn Tuấn…Ðặc biệt, bạn thơ Chu Thiên đã tình nguyện xung phong vào Lực Lượng Ðặc Biệt, từng nhảy toán nhiều lần ra Bắc, và đã gục ngã ở một nơi nào đó trong sào huyệt địch. Trầm Uyên Mỵ nằm xuống trên đỉnh Tô Châu, trên tay còn cầm bài thơ viết dở dang cho người tình. Gần đây nhất, tại Washington D.C., bạn thơ Giang Hữu Tuyên, chủ nhiệm kiêm chủ bút Hoa Thịnh Ðốn Việt Báo đã đột tử vì căn bệnh hiểm nghèo.

Bữa tiệc vơi dần. Nhưng bạn bè vẫn còn ngồi đó đông đủ. Họ chưa muốn vội chia tay. Họ muốn ôn kỷ niệm, cố níu kéo nhau để giữ lại thân tình. Họ cũng muốn tôi kể lại báu vật chai dầu gió. Vâng, hãy để quá khứ quay về, quay về một cách tự nhiên…

Ngay từ lúc ra đời, tôi đã là một thằng bé èo uột, khó nuôi. Mẹ tôi tất tả ngược xuôi, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi để mong tôi thoát khỏi bệnh tật. Tôi lớn lên như một cọng cỏ tong teo, chỉ cần chút gió nhẹ thổi qua là đã muốn ngã quỵ. Chạy tây y không xong, Mẹ tôi lại chạy qua đông y, rồi thầy bùa, thầy pháp…Tôi được trao thẳng cho ông thầy pháp làm con nuôi, được đặt tên riêng là Săng Mây. Nghe Mẹ kể lại, mỗi lần tôi khóc nhè, ông thầy đặt tôi lên chiếc bàn cao lêu nghêu, rồi hô phong hoán vũ, dùng roi mây đập tứ tung xung quanh, miệng không ngớt lâm râm án nị cà ra nà…Nhưng thật lạ thay, sau một thời gian làm đệ tử thầy, bệnh tình tôi đã mười phần thuyên giảm còn ba. Tôi không còn khóc đêm nữa. Các bệnh yếu ớt vặt vãnh cũng bớt đi, chỉ khi nào tiết trời thay đổi, tôi mới bị cảm lạnh mà thôi. Có lẽ, khi nhìn thấy bộ mặt vằn vện và thái độ hung dữ của ông pháp sư, các virus trong người quá sợ hãi, nên đã ngã lăn ra chết queo. Lớn lên một chút, khi tôi biết nói, và bước chân vào tiểu học, Mẹ tôi mới phát giác ra tôi bị đau bụng đêm. Thế là, chai dầu gió được gắn liền với đời tôi , ngay từ lúc đó.

Thập niên 50, thị xã Cà Mau nhỏ xíu như một cái bánh bao. Ngôi chợ thấp lè tè. Ði vòng vo vài ba phút đã hết các con đường. Ba tôi là một công chức trong sở cảnh sát tỉnh. Ba giỏi tiếng Pháp. Lúc trẻ đã có một thời làm thông ngôn cho người Pháp. Ngược lại, Mẹ tôi học rất ít,chữ viết nguệch ngoạc, và làm toán bằng cách tính nhẩm theo các đầu ngón tay. Vậy mà những bài vỡ lòng đầu tiên , kể cả cuốn giáo khoa thư…Mẹ tôi đã dạy tôi thuộc làu, trước khi bước chân vào lớp học. Tôi còn nhớ chai dầu nhị thiên đường màu nâu sẫm, mùi nồng cay, nhưng ấm áp một cách an lành. Lần nào cũng vậy, sau khi mặc vào bộ đồng phục học trò, Mẹ vén áo tôi lên, xoa dầu vào rún, rồi vào hai bên thái dương, xong cẩn thận bỏ chai dầu vào túi quần tôi, âu yếm nói :

-Con giữ chai dầu, đừng làm mất. Tuy nó nhỏ nhoi, đơn sơ – nhưng là thần hộ mạng cho con, cho mọi người đấy! Khi ra ngoài trời, con nhớ xoa dầu vào hai bên thái dương, xoa dưới cổ và phía sau ót để ngừa cảm mạo thương hàn. Khi đau bụng, xoa vào rún. Khi té, trặc chân tay, xoa vào các vết trặc. Sau này lớn lên, Mẹ sẽ chỉ cho con các huyệt đạo, để lỡ gặp tai ương, con có thể tự cứu mình, cứu người.

Thật vậy, nhờ chai dầu gió, cơn đau bụng đêm oằn oại của tôi đã dịu đi và mất hẳn. Tôi cũng vơi dần những cơn cảm mạo khó chịu mỗi khi trái gió trở trời. Tôi lướt qua tuổi thiếu niên, rồi tuổi thanh niên vùn vụt đến. Tôi đi khắp chốn, đến Cần Thơ thi tú tài, lên Sài Gòn vào đại học. Chỗ nào, nơi đâu…chai dầu gió của Mẹ tôi cũng được cẩn thận nằm trong túi quần.

Năm 1970, chiến tranh bùng nổ khắp miền nam. Tôi chán học, tình nguyện vào lính. Ngày vào quân trường, Mẹ tôi bùi ngùi tiễn tôi lên đường. Nhà nghèo, hành lý mang theo chẳng có gì đáng giá. Nhưng khi xách lên tay, tôi chợt có cảm giác nằng nặng.

-Mẹ ơi! Tối qua Mẹ đã cho con tiền rồi. Hôm nay Mẹ lại để gì nằng nặng trong túi con thế này?

-Có mấy lố dầu nhị thiên đường Mẹ mua cho con, để dành mà phòng gió sương cảm mạo. Con thường đau bụng, nhớ mổi tối xoa vào rún trước khi đi ngủ. Các bạn lính của con, ai trúng gió trúng sương, con làm phước cạo gió và xoa dầu vào các huyệt đạo cứu họ.

Tôi rưng rưng nước mắt nhìn Mẹ. Tự dưng tôi muốn chùn bước, muốn quay trở lại mái nhà thân yêu, muốn ngã vào vòng tay ấm áp của Mẹ, bỏ ý định đi lính. Nhưng …quay trở lại…để làm gì? Ðể tiếp tục sống bám vào những ly cà phê Mẹ bán từng đồng từng cắc hay sao? Năm 1963, nền đệ nhất cộng hòa xụp đổ, quyền lực tập trung vào tay các Tướng lãnh tự xưng là Cách Mạng. Tổng Thống bị giết, kéo theo các viên chức thân cận bị trù dập hoặc bị cầm tù. Ba tôi là một trong những viên chức thân cận của nền đệ nhất cộng hòa phải bỏ việc chạy trốn. Ông chạy trốn khắp nơi và cuối cùng đành vĩnh viễn bỏ vợ và các con ở lại Cà Mau. Từ đó, gia đình tôi bắt đầu suy sụp. Và một tay Mẹ buôn gánh bán bưng, nuôi các anh em tôi đều học hết bậc trung học.

Chai dầu gió theo tôi trôi giạt các chiến trường. Nó theo tôi bồng bềnh ra Phú Quốc, lăn lóc về Hà Tiên, đêm đêm nằm trên duyên tốc đỉnh đếm các cụm mây lang thang ngang các hòn đảo lạ lùng. Ðêm đêm xoa dầu vào bụng, mùi dầu nồng nồng cay cay trộn lẫn với tình Mẹ cao thượng, làm lòng tôi chợt ấm áp vô cùng. Ðêm đêm, mùi dầu như ngọn lửa thiêng xua tan đi giá lạnh, sưởi nóng tâm trạng cô đơn bệnh hoạn của tôi một cách diệu kỳ. Rồi có một lần, tôi chưa kịp đem chai dầu gió làm phước cứu đồng đội, thì tôi là người ngã quỵ trước tiên giữa cơn bão điên cuồng thổi băng qua Bắc Ðảo. Duyên tốc đỉnh nhỏ bé không có y tá đi theo, chỉ có những dụng cụ cứu thương sơ sài. Ðồng đội phải xúm lại hô hấp nhân tạo, rồi dùng chai dầu của tôi cạo gió, xoa bóp các huyệt. Và thật là kỳ lạ, mùi dầu nồng nàn cộng với mùi tình Mẹ ấm áp đã đánh thức tôi dậy, tiếp tục chuyến viễn du cuộc đời.

Tháng 4 năm 1975, nền đệ nhị cộng hòa tan rã. Như một định mệnh – tương tự trường hợp Ba tôi ngày trước – tôi và đồng đội lần lượt vàocác trại tù. Lần này, số phận gia đình tôi bi thảm hơn nhiều. Người anh thứ tư mất tích vĩnh viễn trên đường rút quân của sư đoàn II bộ binh. Các anh em khác chịu chung cảnh ngộ cá chậu chim lồng. Mẹ tôi chạy loạn tứ tung, cuối cùng về Chương Thiện tá túc với người chị bà con, trông ngóng từng đứa con thất lạc trở về. Tôi gặp Mẹ tôi trong màn nước mắt ngậm ngùi. Tôi ôm thân xác còm cõi của Mẹ vào lòng mà tưởng chừng hàng nghìn đớn đau đang gặm nhấm trái tim mình. Gia cảnh của chị tôi cùng chịu chung số phận khổ đau. Cái bàn thờ giữa nhà khói nhang còn nghi ngút, bên cạnh là di ảnh cháu tôi, vừa được gia đình thương tiếc đặt lên. Cách đây vài hôm, ở sân vận động Cần Thơ, việt cộng đã xử bắn một nhóm quân nhân (họ cho là phiến loạn), trong đó có đứa con đầu lòng của chị tôi.

-Mẹ ơi! Chị ba đang gặp cảnh đau buồn. Gia đình mất hết công ăn việc làm. Mẹ ở đây, làm sao sống được?

-Con đừng lo. Mỗi ngày Mẹ làm bánh, bưng đi bán từng nhà. Người ta thấy Mẹ lụm cụm, họ thương tình…mua sạch trơn.

Nói xong, Mẹ nhìn tôi, âu yếm nở nụ cười thật tươi trên đôi môi khô héo. Tôi biết Mẹ cố gắng trấn an tôi, chớ thời buổi bây giờ bữa đói bữa no, thiên hạ làm gì có tiền để mua bánh Mẹ hàng ngày.

-Mẹ ơi! Ngày mai con sẽ về Mỹ Tho trình diện cải tạo. Không biết thời gian trong đó bao lâu? Có lẽ chỉ ngắn hạn thôi. Mẹ ở lại bình an và gắng giữ gìn sức khỏe nha Mẹ! Khi có dịp, con sẽ biên thư đều đều về cho Mẹ.

-Ði đâu, lên rừng hay xuống biển, con cũng nên nhớ để chai dầu trong túi hộ thân và làm phước cứu người nha con! Mẹ chỉ cho con các huyệt đạo căn bản, con còn nhớ không? Ðây, khi gặp ai ngất xỉu, dù ngất xỉu vì bất cứ trường hợp nào, con cố gắng đặt họ nằm thẳng người ra, bình tĩnh dùng kim châm vào nhân trung, rồi khéo léo nặn máu của bệnh nhân ra. Vài giây sau, nếu họ vẫn bất động, con tiếp tục châm kim vào mười đầu ngón tay, và cũng nặn máu ra như huyệt trên. Chậm lắm là vài phút sau, họ sẽ tỉnh dậy. Chiều nay, Mẹ sẽ tìm cho con 1 số dầu, mang vào trại tù để phòng ngừa bệnh hoạn nha con!

Hành trang vào tù của tôi vỏn vẹn chỉ có cái mùng nhà binh, một tấm drap làm mền, vài bộ đồ cá nhân và những lố dầu lĩnh kĩnh của Mẹ, Nhưng nặng nề nhất, trong trái tim tôi đã mang theo tình thương bao la của Mẹ, tình yêu của người vợ trẻ và đứa con trai dễ thương chỉ vừa tròn 6 tháng tuổi. Vào tù, tôi học thêm khoa châm cứu từ người bạn tù rất thân. Chúng tôi lấy dây điện thoại cắt rời ra để làm những ngọn kim châm cứu dã chiến. Từ đó, chúng tôi thay phiên nhau đi khắp trại tù làm phước cho những tù nhân đau yếu, bệnh tật. Khi cứu giúp ai, hình ảnh bác ái của Mẹ tôi chợt hiện ra hiền hậu trong tim, khiến cõi lòng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Ðiều làmxót xa nhất, mà mãi cho tới giây phút này tôi vẫn còn xốn xang, ray rức – đó là hình ảnh Mẹ tôi lội nước thăm nuôi ở trại tù Cai Lậy, lúc trận lụt năm 1978 là trận lụt lớn nhất lịch sử, so với các trận lụt từ trước tới nay trên đồng bằng sông Cửu Long. Năm đó, lụt lớn, lũ tràn đầy. Nước dâng ngập đường đi. Nước leo lên quốc lộ 4. Nước đẩy các sam tù ngửa nghiêng theo sóng. Tù nhân suốt ngày dầm mình dưới nước: chống, đỡ, buộc, rịch…các cột kèo sắp bị sức nước cuốn phăng. Ban đêm, trèo lên mái sam phơi gió phơi sương, ngủ chung với rắn, rít, chuột, dán…Ngày, nước dâng đến đỉnh cao nhất lại là ngày thăm nuôi. Nơi cao ráo nhất là con lộ nằm trước cổng trại tù. Vậy mà Mẹ tôi đứng đó, nước đã mấp mé khỏi bụng. Mẹ ướt loi ngoi từ bao giờ. Có lẽ dầm nước lâu rồi, nên Mẹ mới đánh bò cạp, toàn thân run lẩy bẩy. Chiếc xuồng kế bên chất đầy bao bị thăm nuôi của thân nhân. Họ đứng xung quanh xuồng chờ đợi tù nhân ra gặp mặt. Họ là những người vợ trẻ chắt chiu nuôi chồng. Dù sao họ vẫn còn khỏe mạnh, chỉ có Mẹ tôi là già yếu đang run rẩy chờ con trong dòng lũ giá lạnh. Thế mà khi gặp tôi, Mẹ vẫn nở nụ cười phúc hậu trên đôi môi đã xanh mét. Cái bao thăm nuôi của Mẹ ngoài các thức ăn khô và mớ thịt chà bông hảo hạng, còn cómón quà nặng nhất – là những chai dầu gió và những lời nhắn nhủ đậm đà. Không, tôi đã quên một điều, món quà nặng nhất là tình thương sâu thẳmcủa Mẹ đang đầy ắp trong cái bao thân yêu này.

Rồi 6 năm nặng nề trôi qua, nhốt chán, họ cũng thả tôi ra trại tù. Bơ vơ không cửa không nhà, đành theo vợ về quê cuốc giồng trồng khoai sống tạm qua ngày. Mẹ tôi lại lên thăm đều đều. Lần thăm nào Mẹ cũng nhét vào túi tôi mấy chai dầu và các thức ăn khô đủ loại. Rồi có một hôm, nhân dịp tết nguyên đán, cả nhà quây quần bên nhau đón giao thừa. Ông anh vợ tôi quá chén, say bí tỉ. Sáng hôm sau, cả nhà đều thức dậy, nhưng chỉ riêng anh tôi vẫn còn nằm im trong phòng. Ðến trưa, cửa phòng vẫn khép kín. Một nỗi vắng lặng trùm phủ xung quanh. Cả nhà hoảng hốt, tông cửa vào.Anh tôi đã nằm bất động từ lúc nào, tay chân lạnh ngắt như ướp nước đá, phía dưới đất có một đàn kiến đang đua nhau bò lên thân thể anh. Người ta vội la to. Cả nhà chạy gọi y tá và các thầy đông y trong xóm. Y tá làm hô hấp nhân tạo. Các thầy đông y bắt mạch, cạo gió, cắt giác…đủ thứ. Cuối cùng, họ bó tay, ngậm ngùi chia buồn với chủ nhà:

-Thôi, thằng hai đã yên phận rồi. Cả nhà hãy gạt buồn đau để lo cho nó đi!

Vợ tôi vừa chùi nước mắt vừa tức tốc chạy ra giồng khoai kiếm tôi:

-Anh ơi! Anh ơi! Về mau, về mau. Anh Hai mất rồi.

Tôi quăng vội cây cuốc vào góc chuối, la lên:

-Sao? Ðêm qua ảnh còn cụng ly với tui kia mà?

-Về mau. Ở đây mà còn đôi co trăng với sao chi nữa?

Tôi phóng một mạch về đến nhà. Nhảy thẳng lên giường áp tai vào ngực anh tôi. Tôi nghe trái tim đập thoi thóp, thoi thóp. Lồng ngực còn âm ấm, có nghĩa là anh tôi chưa thật sự về với ông bà. Tôi lật đật móc chai dầu ra, và réo to lên:

-Ðưa dùm tui cái kim may , mau lên. Anh hai chưa chết đâu. Còn nước còn tát bà ơi!

Hình ảnh phúc hậu của Mẹ tôi chợt hiện ra. Những lời nhắn nhủ bác ái của Mẹ chợt văng vẳng bên tai. Ðây, huyệt nhân trung. Tôi xoa dầu vào huyệt, châm mạnh. Tôi kiên nhẫn dùng hai đầu ngón tay bóp mạnh vào chỗ vừa châm. Bóp, nặn. Nặn, bóp… lúc lâu – một giọt máu bầm đen mới trồi lên khỏi huyệt. Tôi chùi máu, đợi chờ. Cả nhà nín thở nhìn vào anh không chớp mắt. Có người nức nở cầu nguyện. Có người đau đớn, khóc than. Năm phút, mười phút trôi qua…Anh tôi vẫn bất động. Tôi nhào xuống hai bàn tay, kéo những đầu ngón tay đặt ngửa lên đùi mình. Rồi xoa dầu. Rồi châm kim thẳng vào. Rồi nặn máu thật mạnh. Mười đầu ngón tay nhô lên mười giọt máu hồng. Tôi chùi máu, xoa dầu…rồi tiếp tục nặn máu. Năm phút, mười phút trôi qua…Anh tôi vẫn bất động. Cả nhà tuyệt vọng, ngã gục xuống, than khóc. Nhưng,như có một phép mầu kỳ diệu, hai bàn tay của anh tôi bỗng dưng ngo ngoe, cử động. Rồi toàn thân anh tôi lăn nghiêng qua một bên. Lúc đó, khuôn mặt anh tôi nhăn nhó, mắt mới hé mở, và miệng mới bắt đầu thì thào:

- Ôi, ôi! Ðau mình quá! Cho tôi xin miếng nước uống đi!

Cả nhà reo vang, mừng rỡ. Cả nhà kéo lại, vây quanh anh tôi bóp tay nắn chân, cười nói huyên thiên. Họ đã quên tôi. Họ không biết tôi đang ôm hôn chai dầu gió với niềm hạnh phúc dâng tràn.

Năm 1993, diện HO lan rộng. Tôi đành chia tay với Mẹ, cùng với vợ con sang Mỹ lập nghiệp. Ðất lạ, người mới, cộng với nền văn minh cực thịnh của một cường quốc nổi tiếng, tôi sợ bơ vơ và lạc lõng ở nơi đó vô cùng. Tôi cũng không đem được Mẹ tôi theo để khi hoạn nạn có nhau, để khi khổ đau còn có tình thương Mẹ an ủi, đắp bồi. Trước khi gia đình tôi lên đường, Mẹ tôi từ Chương Thiện về Bến Tre chơi với chúng tôi vài tháng. Trong vài tháng này, Mẹ xử dụng tất cả tài năng về gia chánh mà Mẹ đã học hỏi từ ngày còn thiếu nữ, mỗi ngày một món ăn ngon để gia đình tôi bồi dưỡng. Mẹ sợ, khi qua Mỹ, tôi sẽ không còn dịp được thưởng thức những đặc sản quê hương. Mẹ lo cho con dâu, cho cháu nội từng manh quần tấm áo, như vá lại những mảnh rách, khâu lại từng chiếc mùng, chiếc mền…

Ngày tiễn ra phi trường, Mẹ cứ lấy khăn quàng vai chậm lên mắt. Lúc này, nhìn kỹ, tôi đã thấy Mẹ lụm cụm và già yếu lắm rồi. Nhưng Mẹ vẫn giả vờ vui vẻ, cười nói huyên thiên để tôi an tâm lên đường.

-Ðêm qua, Mẹ đã nhét vào túi xách con những lố dầu Nhị Thiên Ðường. Qua bên đó, nhớ giữ bên mình, phòng khi trái gió trở trời. Bà con đồng hương, hay dân bản xứ cũng vậy, hễ ai mắc bệnh dọc đường dọc xá, con làm phước cứu họ. Xài lâu, gần hết dầu, nhớ biên thư cho Mẹ. Mẹ sẽ tìm cách gửi dầu qua cho con. Nhớ nha!

Lời Mẹ dặn, tôi vẫn ôm theo trong lòng. Chai dầu gió, tôi vẫn kè kè trong túi. Tôi mang chai dầu đi khắp bốn phương, dong ruổi qua các tiểu bang, làm việc trong nhiều hãng xưởng. Mỗi sáng sớm đến sở làm, trời lạnh căm, trước khi lái xe đi, tôi mở chai dầu xoa lên mũi, xoa lên thái dương, xoa trước cổ, xoa sau ót...như lời Mẹ tôi căn dặn từ thuở ấu thơ đến giờ. Khi mùi dầu bay lên nồng nàn và ấm áp, tự nhiên hình ảnh bác ái của Mẹ hiện ra một cách tin yêu, khiến hạnh phúc bỗng dưng trào dâng, xua tan đi cái giá lạnh rét mướt của mùa đông xứ người. Và ở đây, nơi đất Mỹ xa lạ, tôi cũng đã từng cứu được một đồng nghiệp người Mễ tên Daniel, khi tên này bị một cú “sốc” bởi cholesterol ngã quỵ trên sàn máy.

Mãi đến năm 2001, tôi mới trở lại Việt nam thăm Mẹ. Lúc này, Mẹ tôi đang nằm bệnh viện vì chứng suy tim trầm trọng. Người ta dành cho Mẹ tôi một căn phòng nhỏ đủ để kê chiếc giường cá nhân, và một lối đi hẹp dành cho bác sĩ đến khám bệnh. Anh tôi trải chiếu xuống lối đi đó, mỗi đêm, săn sóc và canh chừng Mẹ tôi. Tôi đến khi Mẹ còn say ngủ. Tội nghiệp, chưa đầy 10 năm, Mẹ tôi đã thay hình đổi dạng một cách rất đau lòng. Ðó là một cụ già da bọc xương, nằm co quắp, tay chân rút lại như tấm hình nộm. Tôi sửng sờ nhìn Mẹ, nước mắt tự nhiên tuôn tuôn, không kiềm chế được.

-Mẹ ơi! Con về bên Mẹ đây này! Mẹ có nhận ra con không?

Mẹ tôi từ từ mở mắt ra, nụ cười méo xệch nở trên đôi môi héo hắt. Mẹ đưa cánh tay khẳng khiu về phía tôi, nước mắt trào ra.

-Mẹ nói đi, con nghe. Trong người Mẹ bây giờ thế nào? Có khỏe không?

Mẹ tôi mở miệng định nói, nhưng không thể nói được. Hình như hàm Mẹ tôi bị cứng và hệ thống thanh quản có vấn đề. Mẹ chỉ còn biết nhìn tôi, gật gật đầu. Tôi mở túi xách lôi ra vô số thuốc men, nào là : thuốc bổ, thuốc dưỡng tim, thuốc đau nhức, sữa ensure, sâm đại hàn …Mẹ tôi nhìn vào số thuốc lĩnh kĩnh, lắc đầu buồn rầu. Tiếng anh tôi phía sau vọng lại:

-Mẹ không còn nhai được nữa em ạ! Nuốt cũng rất khó khăn. Bác sĩ cho uống viên thuốc chỉ lớn bằng đầu đũa, anh phải tán ra thành bột, rồi pha nước, đút từng chút cho Mẹ uống.

-Thế...bác sĩ không có cách nào khác sao?

-Họ nói, chỉ có cách cho Mẹ ăn thức ăn lỏng và đút từ từ thôi.

Mẹ tôi trở mình, vói tay lên đầu giường, cầm lấy chai dầu gió đưa ra trước mặt tôi. Như một tín hiệu thân thương, tôi cũng móc chai dầu gió từ túi quần đưa thẳng trước mặt Mẹ.

-Mẹ đừng lo. Con luôn luôn vâng lời Mẹ. Báu vật này con mãi giữ bên mình. Con vẫn làm phước cứu người trong lúc nguy khốn.

Mẹ tôi gật đầu, cười trọn vẹn. Rồi Mẹ ngoắc tôi đến gần, lần tay xuống gối móc ra một gói giấy nhỏ. Tôi nhận gói giấy, tò mò và hồi hộp mở ra. Ðó là một tờ giấy được xé ra từ cuốn tập học trò. Mẹ tôi đã viết đầy trên đó, rồi cẩn thận xếp nó lại làm sáu làm bảy, giấu trong lần gối. Tôi run run trải tờ giấy ra, chăm chú đọc từng dòng. Thằng bảy mượn 3 chỉ vàng, thằng Út mượn 300 đô, vợ thằng bảy mượn 200, con Xuân mượn 500, chồng con Ðông thế chiếc xe đạp lấy 200…Toàn bộ số tiền thằng Ân gửi về cho Mẹ từng đợt, tụi nó đã hỏi mượn và chưa ai trả cho Mẹ.

Trời ơi! Có thật sự anh em, họ hàng tôi đã nghèo nàn đến thế sao? Những lần tiền tôi gửi về giúp Mẹ, lần lượt rơi vào tay của họ mất rồi.Mẹ tôi , ôi! người Mẹ đã có tấm lòng bao la như biển cả.

Gần một tháng bên Mẹ, những đồng đô la của tôi vung ra tứ tung…vẫn không làm sức khoẻ của Mẹ tôi khả quan hơn. Thất vọng, tôi đành phó thác cho số mệnh, trở về Mỹ tiếp tục công ăn việc làm. Một tháng sau, Mẹ tôi mất. Dù chuẩn bị trước chuyện buồn sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn rời rã khổ đau, không làm được việc gì suốt mấy tháng trời. Mẹ tôi mất đi, hình như chưa thật sự an tâm nhắm mắt. Ðám táng cử hành rất kỳ lạ. Người chị tôi theo Phật giáo, chị rước một ông sư về tụng kinh siêu thoát cho Mẹ tôi. Còn ông anh tôi theo Tin Lành thì mời Mục sư về cầu nguyện cho Mẹ sớm về cõi Thiên Ðàng. Hai bên chống cự , phản đối nhau quyết liệt. Không bên nào chịu nhường bên nào. Họ sợ linh hồn Mẹ tôi vất vưỡng phiêu linh, lạc mất lối về. Tôi gọi điện thoại cho chị tôi giãi thích và đưa ra một ý kiến công bình. Từ năm 1980, Mẹ theo đạo Tin Lành. Mẹ đã làm lễ Báp Têm và xức dầu Thánh rồi, chị hãy để cho Mục Sư cử hành đám táng cho Mẹ đi.

Chai dầu gió luôn luôn nằm trong túi quần tôi. Tôi mãi khư khư giữ nó cho đến giờ phút tôi trở về cát bụi. Mặc ai phản đối, mặc ai trêu chọc, nó vẫn luôn là Thần Hộ Mệnh cho tôi, cho gia đình tôi, và cả cho những ai không may gặp hoạn nạn dọc đường.

                                                                  *PHẠM HỒNG ÂN

                                                              (Escondido, 23/01/2011)






Sunday, January 29, 2012

.XUÂN NHỚ MẸ






Xuân về con thắp trầm hương

Dâng tình lên cõi tiếc thương mẹ hiền

Chung quanh con: những đứa em

Số phần là mỗi nỗi niềm riêng tư

Mẹ như chiếc lá mùa thu

Vàng rơi xuống cõi vô ưu mịt mùng

Mẹ như âm điệu ngũ cung

Ru con ngủ giữa nghìn trùng ca dao

Mẹ như ngọn lửa nhiệm mầu

Sưởi tan lạnh giá buốt sầu đời con

Bây giờ nước đã về nguồn

Đành cho sông cạn núi mòn trơ vơ

Bây giờ chia cắt đôi bờ

Mẹ đi, con sống bơ vơ xứ người

Nhớ xưa Mẹ đã có thời

Xuôi Nam tìm kiếm cuộc đời tự do

Phất phơ như một ngọn cờ

Nuôi con bằng những ước mơ thành tài

Rồi...giang sơn bỗng đổi thay

Rồi...bầy con bỗng trắng tay cơ hàn

Mẹ buồn thân phận phù vân

Tiếc thương vận nước, khóc than vận nhà

Đứa con theo biển đi xa

Tự do tìm giữa xót xa xứ người

Bây giờ xum họp một nơi

Mẹ vừa nở được nụ cười đoàn viên

Niềm vui tiếp nối ưu phiền

Xuôi tay Mẹ sớm về miền vô ưu

Mẹ ơi! nước mắt giã từ

Dành cho ơn Mẹ vẫn dư trong đời

Xuân này thiếu vắng Mẹ rồi

Đành ôm hình Mẹ viết lời tiếc thương...

               *PHẠM HỒNG ÂN

                 (21/01/2012)

Wednesday, January 11, 2012

.THẤT TRẬN




Đời có ngờ tên áo rách khố ôm

Lang bạt kỳ hồ ngủ chùa ăn quán

Bỗng ngày nào ngồi vắt chân gãi háng

Giữa căn phòng xứ Mỹ rộng thênh thang.



Đi đến đâu cũng là kẻ muộn màng

Ta thất trận từ ngày còn con nít

Trường Học so với trường Đời, trái ngược nhau như đầu và đít

Thầy dạy ta sống hiền lành, nhường nhịn lẫn nhau

Trong chiến tranh, thằng nào thuộc lời giảng đó làu làu

Thằng đó sẽ leo bàn thờ ngồi trước

Ta cũng đã một thời đeo chức tước

Quan vài năm chưa đã chí nam nhi

Rồi vô tù ngày ba bữa khoai mì

Bữa sang nhất, thêm ểnh ương, bò cạp...

Vậy mà khoẻ như loài ăn tạp

Cầm dao phay dám đốn gục cây rừng

Có xá gì mưa nắng rớt trên lưng.



Có xá gì những muộn màng thất trận

Có xá gì những đêm ngồi bắt rận

Trong căn chòi kèo lệch cột xiêu

Tiếng đàn thùng hòa nhịp tiếng nhái kêu

Nhậu mút chỉ với hồn ma đồng đội

Tụi bây vắn số về chầu Trời quá vội

Nên làm sao biết hết cái sự đời

Cái sự đời chẳng khác trò chơi

Giống vai diễn vở tuồng sân khấu

Cuộc sống bất lương khiến tau muốn làm thảo khấu

Dẹp tan hoang bọn mặt ngựa đầu trâu

Trả lại cho dân: nhà, phố, hoa màu...

Đền nợ nước mà chúng mình đã thiếu

Nhưng, ngó trước ngó sau tau đành tự hiểu

Súng gãy, dao cùn, chân yếu, tay run

Nên việc lớn lao giao lại đứa anh hùng

Tau đứng giữa hét hò cho đỡ tức

Mày có biết rượu mày đang "ực"

Là công lao tau vác mướn suốt ngày

Bữa cháo bữa cơm nhờ mấy giồng khoai

Cũng đôi lúc đứa đói hơn tau đào trộm



Chế độ gì đâu gặp toàn thứ bợm

Gặp toàn thứ dân nghèo xác nghèo xơ

Những mảnh bằng xưa tau giắt bàn thờ

Đem gói bắp gói xôi cho đỡ nhục

Đại học, tú tài...dắt nhau vào ngục

Tụi mày chết non nào hiểu sự đời?



Cái sự đời chẳng khác cuộc chơi

Thằng mạt rệp như tau lại khơi khơi qua Mỹ

Nhớ bạn bè tìm tri âm tri kỷ

Đốt đuốc mười năm vẫn chỉ mình ta

Tau biết bây giờ tụi bây đỏ thịt thắm da

Uống sữa riết thân hóa thành kẻ lạ

Thằng nào cũng muốn làm cha thiên hạ

Nên kéo đời tư nhục mạ lẫn nhau

Tụi bây quên năm tháng thương đau

Quên đồng đội nằm chưa yên mồ mả

Một lần nữa...ta thêm lần quỵ ngã

Giống như lần thất trận ngày xưa.

                           *PHẠM HỒNG ÂN

                         (Escondido, 27/11/2011)

Tuesday, January 10, 2012

Truyện ngắn MÓN NỢ ÐẦU XUÂN



   Chợ xã bắt đầu vắng tanh. Người ta vội vã thu xếp hàng hóa, tất bật về nhà để kịp chuẩn bị đón Tết. Hôm nay là ba mươi. Ngày giao thừa. Ngày tống cựu nghinh tân. Gia đình nào nghèo nhất cũng phải có dĩa trái cây, dĩa mứt, hoặc vài lát bánh tét đặt lên bàn thờ. Giờ này, cái đồng hồ quán cà phê chú Tửng chỉ đúng ba giờ trưa. Thế mà, con đường làng đã rợp bóng người. Trai thanh gái tú ăn mặc bóng loáng, kéo nhau đi lũ lượt.

   Chỉ có tôi, vẫn còn đứng đây. Giữa khu chợ thưa thớt, với xấp vé số dày cộm. Hôm nay đài Cửu Long. Cái đài khốn kiếp, tuần nào cũng có lô độc đắc vô tay cán bộ. Còn dân, Sáng mua chiều vứt. Tội nghiệp, họ cầm đồng tiền chắt chiu để mua những tờ giấy lộn, chết tiệt.

   Chiều qua, thằng con tôi đã cảnh cáo:

   - Cửu Long là cõng lu. Nặng chình chịch. Ba coi chừng "ôm" đó! Lãnh in ít thôi ông ơi!

   Mẹ, nó còn nhỏ, nên ăn chưa no lo chưa tới. Nó chưa biết chi về tục lệ ông bà. Chiều ba mươi Tết, khạp gạo phải đầy tràn. Nước nôi phải lai láng. Tệ lắm, cũng phải có một phong bánh in cúng ông bà, vài cây pháo chuột để

đốt đì đạch đón giao thừa chào mừng năm mới. Lãnh in ít thì lấy đách chi mà ăn. Lấy cái gì làm tiền để mua gạo, mua bánh.

   Từ Ðây về nhà, tôi nhẩm đếm sẽ leo hết 14 cây cầu khỉ chênh vênh chập chùng. Sẽ lội qua 4 ấp : Phú Bần, Phú Kiệt, Phú Keo và Phú Hàn. Xấp vé số, ít ra cũng vơi hơn phân nửa. Bọn trẻ đang có tiền lì xì. Chúng muốn lấy hên cuối năm. Ở đây, trong cái chốn đồng không mông quạnh này, chúng chỉ còn cách thử thời vận bằng đánh bạc hoặc mua vé số cầu may. Rồi, tôi sẽ lời chút tiền. Trở về căn chòi mục nát ở Phú Hàn, cạnh bờ ao cá tra của chị hai Rớt, thắp nén nhang đầu năm tưởng tiếc ông bà. Rồi, vợ chồng con cái sẽ quây quần bên mâm cơm đạm bạc, ôn cố tri tân, tính toán chuyện tương lai.

   - Anh bán vé số ơi, vào đây cho em mua vài vé...

   Một cô bé thấp thoáng trong sân vườn. Vạt áo bà ba màu hoàng yến phất phới như đôi cánh nàng tiên nào đó trong huyền thoại.

   - Anh  lựa hộ dùm em 10 vé, cầu may...

   Tôi trao 10 vé cho nàng. Những con số đen đủi, lăn quay một cách hèn hạ trên bàn tay mượt mà, mềm mại của cô bé.

   - Em tên Út, con của Tám Bòn, bà con bên vợ với anh đây...

   Căn nhà mái ngói trong đám mía đường tịch mịch này đây, bỗng vươn ra, lớn dần, và nhào lộn trong trí nhớ tôi. Hôm ở tù về, vợ tôi có dẫn đến, giới thiệu với cậu tám - một người chủ vườn trung niên, từng lưu lạc khắp nơi trong thời chiến tranh còn ác liệt.

   - Ồ, chào cô. Tôi có đến thăm cậu tám một lần, nhưng không gặp cô...

   - Em dạy học ở Mỹ Tho, mới về.

   - Ồ...thì ra cô...là giáo chức...Rồi, về chơi...chừng nào cô trở lại lớp học?

   - Em trốn luôn. Giáo chức...vức cháo dài dài...Em không còn tinh thần phát huy nghề nghiệp nữa...

   Tôi ngậm ngùi. Khuôn mặt Út bỗng mập mờ hư ảo trước mắt tôi. Ðó là một khuôn mặt trái soan thanh tú, chỉ tội có nốt ruồi phá tướng nằm vắt ngang môi trên, dưới cánh mũi phập phồng. Thế rồi...nàng sẽ như tôi. Sẽ về vườn làm cỏ, lội mương, chôn cuộc đời son trẻ vào các vũng nước ao tù.

   Trong số khách hào phóng mua vé số tôi mỗi ngày, Tư Ðà là một thanh niên có những nét đặc biệt. Hắn thường đến nhà tôi vào lúc gà gáy sớm, lúc sương còn ướt đầm ngọn cỏ. Hoặc khi trời tối mịt, khi bóng đen trùm phủ ấp Phú Hàn, chỉ có ánh đuốc của hắn lập lòe bùng cháy trong đêm.

   Hắn đến để rút dăm tờ vé số chết tiệt, rồi ngồi bó gối cùng tôi uống trà, rung đùi kéo những hơi thuốc rê mịt mù sương khói. Ðôi khi, trong cơn mưa dai dẳng buồn nẫu ruột, hắn cắp nách xị đế chạy tìm tôi, rồi hái quách trái bưởi non làm "mồi", hai anh em ngồi lai rai đến khuya lơ khuya lắc.

   Tư Ðà sinh ra và lớn lên tại Phú Hàn. Và chỉ biết có đồng ruộng, con trâu, cùng cỏ cây hoa lá. Ðến tuổi thanh niên, người ta dí vào tay hắn cây AK, rồi đẩy hắn ra bờ sông làm du kích ấp. Tội nghiệp, suốt thời gian đi du kích, hắn chỉ biết trốn chui trốn nhủi trong những căn hầm hôi hám, khi máy bay hoặc tàu thủy của lính Cộng Hòa thi nhau tăng hỏa lực đì đùng. Cứ bị dồn vào chiến cuộc như thế, hắn không có điều kiện cắp sách đến trường, nên dốt đặc cán mai, một chữ i tờ lận lưng cũng chẳng có. Chiến tranh chấm dứt, khi tiếp xúc với đủ thành phần trong ấp Phú Hàn, Tư Ðà cảm thấy thua thiệt. Hắn bắt đầu đau khổ, chán đời, mượn rượu tiêu sầu. Rồi...tìm đến tôi - một kẻ bị đời chán - bầu bạn giải khuây.

   Sáng mồng một tết năm nọ, tự dưng, hắn mang đến tặng tôi một gói Samit đầu lọc. Hút thuốc rê khét lẹt đã lâu, bỗng dưng có Samit như bắt được vàng, tôi vội hít vào tận phổi những hơi khói thơm lừng, sảng khoái đưa tâm trí mình về cõi mê hoang, quên mất Tư Ðà đang lúng ta lúng túng mở đề câu chuyện.

   - Anh sáu, tui...tui...có chuyện...nhờ anh...

   Tôi rung đùi, từ tốn rót tách trà "quạu" cho hắn :

   - Chuyện gì? Cứ nói. Bạn bè nhau, khách sáo chi nữa, ông bạn?

   Hắn hồi hộp ngó láo liên xung quanh, rồi e dè kề sát tai tôi :

   - Tui...nói, anh đừng cười. Tui...tui...thương...cô Út, con Tám Bòn...

   Tôi chưng hửng, ngó hắn từ đầu đến chân, từ chân lên đầu.

   - Thì...cứ việc tỏ tình. Biểu lộ cho nàng biết tình yêu của mình.

   Mắt hắn đỏ hoe, cuống quít nhìn tôi một cách thiết tha :

   - Anh hút Samit thêm đi. Rồi...suy nghĩ, viết dùm em lá thư tỏ tình. Anh thông cảm, giúp...em...

     Những ngụm thuốc Samit làm tôi hưng phấn, thoải mái tinh thần. Mùi thuốc ngọt lịm, thơm phức...cứ thoang thoáng xung quanh - gây nên cảm giác ngất ngây chất ngất. Gần mười năm qua, tôi đã làm bạn với thuốc rê. Ôi, những sợi thuốc rê đen mun và hăng hắc, hút với giấý nhựt trình chỉ ngửi được mùi giấy khét lẹt. Vậy mà nó cũng kích xúc, cũng tê mê, giải phá cơn sầu. Cám ơn Tư Ðà, người mang đến cho tôi gói samit tuyệt vời giữa chốn khỉ ho cò gáy này.

   - Dễ thôi. Tôi viết dùm anh...bây giờ.

   Thế rồi, lá thư tình được tôi nắn nót một cách lãng mạn. Tôi "cóp" nguyên xi bài Tình Tuyệt Vọng của nhà thơ trữ tình Pháp Lamartine, được nhà văn Khái Hưng dịch lại bằng lời Việt. Tư Ðà hồi hộp thay tôi sang tận Phú Keo bán vé số. Hắn đột nhập vào đám mía đường tịch mịch, khẩn thiết mời mọc Út mua số, rồi ấp a ấp úng trao lá thư tình.

   Vài ngày sau, giữa lúc tôi đang ngồi xếp bằng dưới chiếu, tẩn mẩn ghi lại kết quả xổ số từ radio - Tư Ðà thình lình xuất hiện. Hắn hí hửng đưa cho tôi xem lá thư hồi âm, rồi choàng vòng tay qua vai tôi, biểu lộ lòng biết ơn trìu mến.. Nét chữ mềm mại con gái khiến tim tôi se lại. Hàng loạt kỷ niệm học trò hiện ra miên man, dắt tôi trở lại thời áo trắng xa xưa. Không cầm lòng được, tôi dẹp radio sang một bên, cầm bút viết ngay dòng chữ hồi âm. Thế rồi, thư qua thư lại, thư lại thư qua...ròng rã gần hơn năm trời. Cho tới một hôm, đúng ngay ngày ấp Phú Hàn đồng loạt quết bánh phồng đón tết. Giữa tiếng thình thịch thình thịch vang rân khắp xóm làng, Tư Ðà vui vẻ đến nhà tôi, trịnh trọng trao tấm thiệp cưới với nụ cười rạng rỡ. Như vậy, bắt đầu từ hôm nay, tôi đã chấm dứt nhiệm vụ của một kẻ se duyên. Cầu mong mối tình Tư Ðà và Út trọn đời gắn bó.

   Chẳng hiểu hạnh phúc có thật sự đến với cặp tình nhân này hay không? Chỉ biết, khi tôi sắp sửa đi Mỹ, Út vội vã đến tìm tôi, rồi nhanh nhẹn lôi tôi ra phía hàng cam xanh um trĩu trái.

Ðêm ấy cũng là đêm giao thừa. Nhà nào nhà nấy đều đốt đèn thắp nhang đỏ rực cả khu ấp. Dưới bóng tối vây quanh của vườn cam, trong ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn nhà tôi hắt ra, tôi thấy những giọt nước mắt lả tả rơi não nề trên khuôn mặt Út.

   - Có phải những lá thư năm xưa, chính anh là tác giả...Anh viết hộ cho Tư Ðà phải không?

   Tôi quính quáng, nghẹn lời :

   - Ơ...ơ...

   - Anh hại em, hại cả một đời. Tư Ðà không xứng với em. Anh ta mù chữ, dốt tính toán, chẳng giúp cho em được chi hết...

   Tôi xót xa nhìn Út, khuôn mặt trái soan mập mờ, lung linh một cách tội tình.

   - Ơ...ơ...Anh xin lỗi...

   Út úp mặt vào hai bàn tay khóc rấm rức. Bờ vai nhô lên, rung rinh như một cánh buồm trên sóng nước. Ðột nhiên, nàng cất tiếng, quát lớn vào tai tôi :

   - Anh ác lắm, tàn nhẫn lắm !...

   Rồi vụt bỏ chạy như điên, khuất dần trong bóng đen mịt mùng của ấp Phú Hàn.

   Cho tới giờ này, ở phương trời viễn xứ xa lạ, tôi vẫn luôn bị dày vò, vẫn ân hận mãi về chuyện se duyên lá lay này.

   

                              *PHẠM HỒNG ÂN

                            (San Diego, 5/12/2000)